Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Trẻ khuyết tật hòa nhập với giáo dục tại Nhật

Xin chia sẻ với mọi người vài nét về giáo dục dành cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt về sức khỏe mà tôi đã mắt thấy, tai nghe ở các trường mà con tôi theo học ở Nhật Bản nói riêng. Thực ra, tôi không biết dùng từ thế nào cho hợp vì bản thân tôi không muốn dùng từ trẻ khuyết tật nhưng đơn giản hơn thì đó là chuyện học hành cho trẻ em không được khỏe mạnh, lành lặn như những em bé khác. Nhưng có lẽ để dễ hiểu và dễ viết thì sau đây xin được đề cập đến là trẻ em khuyết tật (viết tắt là TEKT).Với lòng cảm thông sâu sắc, tôi muốn chia sẻ với những bậc cha mẹ có con ở hoàn cảnh này, mong mọi người đừng buồn khi tôi dùng từ đó. Trẻ em đến độ tuổi đi học đều được thông báo nhập học ở các trường công lập nếu không có sự lựa chọn khác ví dụ là trường tư, trường quốc tế. TEKT cũng được đến trường như bao bạn khác. Việc giảng dạy chăm sóc các em lúc ở trường do những giáo viên có bằng cấp về giáo dục TEKT. Các em được bố trí lớp riêng nhưng vẫn được tham gia một số tiết học cùng với các bạn cùng niên học khác ở lớp học bình thường và tên của các em vẫn có trong danh sách lớp đó như là một thành viên chính thức. Giờ ra chơi hay các hoạt động khác của trường như lễ hội thể thao, liên hoan văn nghệ... các em đều được tham gia cùng tất cả các bạn. Vì lý do sức khỏe, các em luôn có các giáo viên phụ trách kèm theo với mức độ thích hợp vừa đủ để các em tham gia tự nhiên với bạn bè mà vẫn an toàn. Vào lớp học dành cho TEKT, bạn có thể thấy em thì bị bệnh down dễ cười, dễ khóc, em thì chậm phát triển trí tuệ cứ ngồi vu vơ chẳng chú ý một thứ gì, em thì bị tăng động cứ nghịch phá không ngừng, em thì luôn luôn nổi cáu, em thì luôn đòi hỏi cô giáo phải nhẹ nhàng, thuyết phục.. Đến giờ ăn trưa, em thì nhè ra liên tục, em thì ăn nhiều nên cô giáo phải kiềm chế để bé không quá no, bị nôn ọe, có thì đòi đi toilet giữa bữa ăn, bé khác đang ăn bỗng dưng ngồi khóc… Nhìn các thầy cô “vật lộn” với học sinh để dạy cho các em kiến thức cơ bản, về cả cách xử sự với bạn bè trong lớp... tôi có cảm giác họ còn phải kiên nhẫn hơn cả chính phụ huynh và phải rất khéo léo. Sở dĩ vậy bởi vì nhiệm vụ chăm sóc các em của giáo viên không thôi chưa đủ mà họ còn phải dạy những kiến thức căn bản, truyền đạt điều hay lẽ phải và đặc biệt là không được phép nổi nóng hay làm gì khiến học sinh buồn bã vì họ đang thực hiện một công việc, một bổn phận. Như trường tiểu học của con tôi , lớp TEKT có 10 em thì có tận 8 giáo viên, có em vì không thể nào tự chủ được bản thân nên phải luôn có một cô giáo kèm, những em khỏe hơn thì một cô giáo chăm sóc cho hai học trò. Các cô luôn hỗ trợ lẫn nhau để giảng dạy, chăm sóc cho các em. Có dịp quan sát những giờ học, giờ ăn trưa của các TEKT từ lớp 1 đến lớp 6, tôi thấy dù các em là học sinh đặc biệt nhưng các cô thầy vẫn rất quy củ, phép tắc. Họ khen ngợi kịp thời cho mọi cố gắng dù nhỏ, nhưng nghiêm khắc với lỗi của học sinh chứ không vì các em là TEKT mà chiều theo dễ dãi. Ví dụ trong giờ học tiếng Anh, có bé gái tôi không biết bị bệnh gì nhưng không chịu làm theo yêu cầu của giáo viên, cứ càu nhàu, dỗi và quay lưng lại. Cô giáo phụ trách em tiến đến và ngồi nói chuyện, phân tích cho em chuyện em đang ở lớp học và em cần phải làm theo yêu cầu của giáo viên như các bạn khác, ban đầu cô bé vùng vằng rồi cả hét lên, nhưng cô giáo không “đầu hàng” mà vẫn kiên trì, sau một lúc bé chịu nghe lời. Tất nhiên vì là TEKT nên các thầy cô giáo phải có phương pháp sư phạm riêng và đấy chính là điều vừa khó khăn mà cũng là nhân văn trong quan niệm giáo dục của nhà trường. Việc giảng dạy cho TEKT được tiến hành với các giáo cụ, mục tiêu khác hơn so với trẻ bình thường nhưng các em không bị tách riêng mà như trên tôi đã đề cập, hàng tuần, với một số thời lượng thời gian nhất định, TEKT được tham gia lớp học với các bạn bình thường khác. Các em vào lớp, ngồi vào bàn học bình thường, có giáo viên phụ trách của em ngồi bên cạnh hay đằng sau tùy vào thể trạng sức khỏe. Giáo viên dạy lớp bình thường cứ dạy bình thường, các bạn học sinh khác cũng học bình thường, không hề có sự phân biệt gì với em học sinh thuộc lớp TEKT đó cả. Không phân biệt không có nghĩa là bắt buộc em phải trả lời năng nổ, phải làm hết mọi thứ như học sinh bình thường làm mà chính là tôn trọng:không cố để mọi người phải chú ý quá về em, để tạo ra một điều gì đó thật thương tâm với hoàn cảnh của em. Các em đến lớp học và cũng được học, phải học, phải giữ luật lệ lớp học như mọi học sinh khác, giáo viên xử sự với các em như những học sinh khác, không ưu ái quá mà cũng không đòi hỏi gì nhiều. Dịp liên hoan văn nghệ hàng năm là dịp toàn thể học sinh đều tham gia, mục đích là tạo động lực cho việc học âm nhạc và ôn luyện để nhớ kỹ, nắm vững những điều đã học. Và các em lớp TEKT cũng tập luyện, cũng có tiết mục của mình và vào ngày biểu diễn, các em cũng lên sân khấu trình diễn như mọi người chỉ khác là với các thầy cô phụ trách kèm theo bên cạnh. Cả trường lắng nghe tiết mục của các em dù với tình trạng sức khỏe của mình, có em chỉ ngân nga mãi một nốt, có em cứ hát thật to át tiếng tất cả mọi người, có em cứ chực nằm lăn ra trên sân khấu vì không thể kiếm soát hành vi.. nhưng biểu diễn xong các em đều cười sung sướng, vui vẻ vì được mọi người vỗ tay khích lệ. Vào lễ hội thể thao hàng năm cũng thế, các emTEKT cũng tham gia với toàn trường ở mọi tiết mục. Các giáo viên phụ trách luôn bên cạnh vừa thực hiện mọi tiết mục như học sinh để khuyến khích các em vừa để đảm bảo an toàn. Ở môn chạy chẳng hạn, có những em rất khỏe thì chạy nhanh, xông xáo, nhưng có những em thì vừa chạy vừa chơi hay vừa chạy vài bước thì nghỉ vài bước.. nhưng vẫn luôn cố gắng chạy về đích và tất cả mọi người vỗ tay khích lệ khiến các em rất vui. Các hoạt động khác cũng tương tự, các em ở lớp TEKT đều tham gia bình đẳng và nhiệt thành với những quy tắc, luật lệ của trường như các em khác dù về mức độ yêu cầu ở mỗi hoạt động chắc chắn là khác hơn do sức khỏe của các em. Và với sự có mặt, tham gia của các bạn TEKT trong trường thì các học sinh bình thường đều có cơ hội giúp đỡ, chia sẻ với các bạn TEKT đó trên thực tế. Chính vì cách giáo dục dựa trên sự tôn trọng, hòa đồng, bình quyền và bình đẳng như vậy nên chí ít tôi chưa bao giờ thấy các em học sinh khác trêu chọc hay chỉ trỏ, bàn tán gì về các em ở lớp đặc biệt này, nếu có cười thì là nụ cười hồn nhiên vì thấy bạn mình ngộ nghĩnh mà thôi. Ngược lại, các em TEKT cũng vui vẻ, thoải mái khi đến trường dù có em chỉ có thể cười cười hay tỏ ánh mắt vui vui chứ không nói được. Ngay cả ở trường Nhật Bản ở London nơi con tôi đang học lúc này, dù chỉ có một bạn học sinh là TEKT, bị bệnh down thì nhà trường vẫn có một lớp cho em với giáo viên có bằng giáo dục đặc biệt phụ trách. Cứ có học sinh là nhà trường có lớp, có giáo viên cho em học chứ không phải là phải có nhiều học sinh thì mới tổ chức lớp. Tôi cho rằng điều này thật sự là đáng ngưỡng mộ của nền giáo dục của họ. Tôi nghĩ, làm cha mẹ đã lắm vất vả, làm cha mẹ của đứa con không may sinh ra không được lành lặn càng vất vả gấp trăm, gấp ngàn lần, cho nên khi được sự chia sẻ của cộng đồng thì tôi nghĩ ít nhiều các phụ huynh cũng được phần nào an ủi, động viên và nhất là những đứa con của họ cũng được tận hưởng cuộc sống con người thực thụ và sức khỏe, trí tuệ của các cháu ít nhiều được cải thiện. Ngoài ra, khi có các bạn là TEKT đi học cùng trường và tham gia mọi hoạt động khác thì các học sinh khác cũng sẽ hiểu và thông cảm hơn với những người bạn của mình, phải chăng đó cũng là cơ hội tuyệt vời để giáo dục trẻ em về lòng nhân ái, sự thông cảm và trân trọng đối với những hoàn cảnh không may mắn cũng như ý chí vươn lên trong cuộc sống, ý niệm hạnh phúc? Theo tôi chẳng có sách giáo khoa tuyệt vời nào hơn là những hình ảnh cụ thể được chứng kiến hàng ngày khi nhìn các giáo viên lớp đặc biệt chăm sóc TEKT, và cách mà các bạn là TEKT cố gắng nỗ lực hàng ngày. Đôi khi đứng ở trong lớp TEKT này, tôi chạnh nhớ về hình ảnh thời thơ ấu khi còn đi học ở quê nhà, cô bạn tôi có em bị bệnh down, nhà bạn ở gần trường, mỗi ngày đi qua, tôi hay thấy em bạn ấy đứng ở cổng nhìn học sinh đi học về, mọi người trêu em, em cũng điệu bộ trêu lại mọi người… Đương nhiên, chuyện em được đến trường đi học là điều không bao giờ người ta nghĩ tới. Tôi quan niệm rằng TEKT và phụ huynh của các cháu là những người gánh thay thiệt thòi cho chúng ta rất nhiều, bởi vậy có thể nói rằng chúng ta có bổn phận và trách nhiệm phải chia sẻ với họ bằng cách này hay cách khác. Những phụ huynh của các cháu ngày đêm làm việc, cống hiến cho xã hội vậy thì xã hội cũng cần có những bù đắp, chia sẻ lại với họ. Những TEKT cũng là thành viên xã hội và các cháu có quyên được đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của mình. Sự nhân văn của một nền giáo dục, của một xã hội... theo tôi nghĩ và quan sát thì chính là ở những điểm này đây, ở đó những con người bị thiệt thòi được đối xử ra sao? Giáo dục con trẻ không chỉ bằng câu chữ mà từ chính những điều giản dị, tưởng như bé nhỏ như vậy. Đó là cách giáo dục hữu hiệu nhất cho con em chúng ta về tình nhân ái, về sự cảm thông từ tận trái tim chứ không phải là thương hại hay ban ơn.

Tinh Bot Nghe

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét