Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Cây Trinh nữ hoàng cung và viên thuốc Crila

Đối với nam giới, khi đã lớn tuổi, hầu như ai cũng có thể mắc chứng phì đại lành tính tuyến tiền liệt - cách gọi mới của chứng u xơ tuyến tiền liệt. Ở mức độ nhẹ, chứng bệnh này gây sự phiền toái, khó chịu cho người mắc bệnh, gây ra những triệu chứng rối loạn tiểu tiện hoặc biến chứng do tắc đường tiết niệu. Nếu không được chữa trị đầy đủ, kịp thời, bệnh có thể chuyển nặng thành ung thư, đe dọa nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Theo thống kê tại Châu Âu, với nam giới sau 40 tuổi, tỉ lệ mắc chứng phì đại tuyến tiền liệt là 80,1%. Tỉ lệ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi. Tại Hoa Kỳ, tỉ lệ người mắc bệnh này ở tuổi 40 là 25%, ở tuổi 70 là 80%. Ở Việt Nam, theo một điều tra của giáo sư Trần Đức Thọ - Viện trưởng Viện Lão khoa; Trưởng Khoa Nội tiết - Đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai; Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam và cộng sự vào năm 1990, có tới 59,18% nam giới trên 50 tuổi và 76,92% từ 75 đến 79 tuổi mắc chứng bệnh này.

Để chữa trị căn bệnh phổ biến này, giới y học và những hãng dược phẩm lớn trên thế giới đã đầu tư hàng trăm triệu đôla, tốn rất nhiều thời gian và công sức nhưng kết quả đạt được vẫn còn rất hạn chế. Trên thị trường thuốc trong nước và thế giới, hiện vẫn chưa có một loại thuốc nào thực sự có hiệu quả trong việc điều trị chứng u xơ tuyến tiền liệt, làm giảm kích thước khối u và giúp người bệnh khỏi bệnh hoàn toàn.

Có lẽ thực trạng đó đã sắp trở thành chuyện của quá khứ. Sau 14 năm nghiên cứu, Ts Nguyễn Thị Ngọc Trâm - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm Crina thuộc Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương II đã thành công trong việc chiết xuất alcaloid từ lá cây trinh nữ hoàng cung (TNHC), tên khoa học là Crinum latifolium L. Thuộc họ Thủy Tiên (Amryllidaceae) làm nguyên liệu sản xuất viên nang cứng Crila - TNHC để điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt ở nam giới và u xơ tử cung ở nữ giới. Hiện nay công trình nghiên cứu này đã được Bộ Y tế nghiệm thu và đánh giá đạt kết quả tốt.

Viên nang cứng Crila - TNHC được một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương; Bệnh viện Y học Cổ truyền Tp. HCM; Bệnh Viện Lão khoa Hà Nội thử nghiệm lâm sàng trên người. Kết quả cho thấy viên Crila - TNHC có tác dụng cải thiện mức độ rối loạn tiểu tiện trên bệnh nhân có u phì đại lành tính tuyến tiền liệt, trung bình giảm từ 93,3% xuống còn 33,3%. Viên nang CRILA - TNHC có tác dụng làm giảm thể tích u phì đại lành tính tuyến tiền liệt, tỉ lệ bệnh nhân có kích thước giảm đạt 90%, trong đó có 33,3% kích thước tuyến trở về bình thường sau 2 tháng điều trị và đặc biệt là không (ít) gây tác dụng phụ.

Ngày 30/7/2004, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế đã có quyết định số 93/QĐ-QLD cho phép sản phẩm CRILA được phép lưu hành trong các nhà thuốc bệnh viện. Trong thời gian tới đây Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương II tiếp tục xin phép để sản phẩm được lưu hành trên toàn quốc.

Năm 1984, 10 năm sau khi tốt nghiệp Dược khoa, chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn nghiên cứu sinh toàn quốc và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử sang Bulgari tiếp tục học tập và nghiên cứu tại trường Đại học Kỹ thuật Sophia. Tháng 4/1991, chị đã bảo vệ luận án tiến sĩ đạt kết quả xuất sắc với đề tài "Nghiên cứu thành phần hóa học của tinh dầu cây Amomum Tsaoko Crévost Et Lémerie - họ gừng Zingiberaceae” và trở thành trợ giảng cho Khoa Hóa hữu cơ - trường Đại học Kỹ thuật Sophia, đồng thời là cộng tác viên của Viện Hàn lâm Khoa học Bulgari. Chị đã tham gia trong nhóm nghiên cứu chiết xuất các hoạt chất từ dược thảo có tác dụng kích thích hệ miễn dịch (tế bào lympho T hoạt động và phát triển hỗ trợ điều trị bệnh ung thư).

Trong những năm đi tìm cây thuốc quý, chị đã tiếp thu được từ nền y học dân gian kinh nghiệm cổ xưa được truyền tụng trong nhân dân, các ngự y trong triều đình đã sử dụng lá cây TNHC để chữa trị bệnh cho các cung tần mỹ nữ và các thái giám. Liều sử dụng là 3 lá một ngày, dùng 7 ngày, nghỉ 7 ngày, uống liên tục trong vòng 21 ngày lại nghỉ 10 ngày. Một đợt điều trị là 63 ngày.

Để có thuốc điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt có hiệu quả cao và thuận tiện cho người bệnh, Bộ Y tế đã cho phép Ts Nguyễn Thị Ngọc Trâm tiếp tục nghiên cứu với đề tài "Nghiên cứu bào chế viên nang cứng từ cao khô Alcaloid toàn phần của cây TNHC (Crinum Latifolium L) và thử tác dụng sinh dược học trong điều trị u xơ tuyến tiền liệt”.

Ở trong nước chưa đủ điều kiện để phân tích, thí nghiệm, chị đã chuyển quá trình nghiên cứu của mình sang Bulgari. Ngay từ đầu, nhà khoa học nữ này đã rất cẩn trọng trong việc bảo mật công trình nghiên cứu. Toàn bộ nguyên liệu TNHC mang theo sang nước bạn đều được chị phơi khô và nghiền thành bột. Toàn bộ quá trình nghiên cứu cũng chỉ có chị và một vài cộng sự được biết.

Sau hơn 14 năm miệt mài nghiên cứu, công trình của Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã thu được kết quả hết sức khả quan. Cùng với GS – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, chị đã hoàn chỉnh việc phân loại, nhận dạng và mô tả cây trinh nữ hoàng cung và phân biệt với cây náng khác có ở Việt Nam. Để có cơ sở khoa học vững chắc cho 1 quá trình nghiên cứu khoa học, chị đã cùng với các nhà nghiên cứu khoa học của các Viện nghiên cứu, Viện hàn lâm khoa học như TSKH D.Fuchs thuộc Viện Hoá học và Hoá sinh học các hoạt chất chống ung thư và AIDS- Institute Of Medical Chemistry And Biochemistry và cùng với GS-VS Simeon Popov, E.Zvetkova nghiên cứu quy trình chiết xuất và xác định thành phần hóa học, cấu trúc hóa học của Alcaloids, đồng thời đã xác định được một quy trình tối ưu chiết xuất được những Alcaloid có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung bướu (Antitumor- crinafolidine, Crinafoline, Pratorimine). Từ năm 1996 chị đã chuyển toàn bộ kết quả nghiên cứu về kiểm chứng ở Việt Nam và tiếp tục thực hiện theo sự chỉ đạo của Vụ Quản lí Khoa học Bộ Y tế. Tháng 8-2001, công trình nghiên cứu này đã được Bộ Y tế nghiệm thu và đánh giá cao tạo điều kiện cho Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm tiếp tục triển khai nghiên cứu đề tài “ Nghiên cứu tác dụng sinh học và điều chế viên nang cứng từ cao khô Alcaloids toàn phần của lá cây trinh nữ hoàng cung trong điều trị u xơ tiền liệt tuyến”. Kết quả của quá trình nghiên cứu là cả 1 bước ngoặt về y học. Thử tác dụng dược lý trên chuột bạch bằng phương pháp gây u tuyến tiền liệt (bằng cách tiêm testosteron), sau khi chuột bị phì đại tuyến tiền liệt thì cho chuột uống viên nang Crila, khối lượng trung bình của tuyến tiền liệt giảm 35,8%. Đặc biệt loại thuốc này ít có tác dụng phụ. Tiếp tục thử nghiệm lâm sàng diện hẹp trên người thì thu được những kết quả tuyệt vời. Tiến sĩ Hồ Xuân Sơn- nguyên tổng biên tập báo Hà Nội Mới, ông bị u xơ tuyến tiền liệt, tuyến tiền liệt phình to, nặng khoảng 36g, việc tiểu tiện rất khó khăn, mỗi đêm phải dậy đi tiểu từ 6-7 lần. Sau khi sử dụng viên nang Crila- trinh nữ hoàng cung, bệnh tình của ông thuyên giảm đáng kể, việc tiểu tiện trở lại bình thường, tuyến tiền liệt đã thôi không phình to mà nhỏ lại chỉ còn khoảng 30g. Kết quả tương tự cũng được ghi nhận ở nhiều bệnh nhân khác đã được điều trị tại Bệnh viện Y học Dân tộc Trung Ương bằng viên nang Crila và trà túi lọc trinh nữ hoàng cung như dược sĩ chuyên khoa cấp 2 Trần Bá Châu, Ks lâm nghiệp Trần Huy Minh của Công ty Lâm sản Hà Nội, ông Nguyễn Thanh ở 529/1a Nguyễn Kiệm, P.4 quận Phú Nhuận … trong số này bệnh nhân Trần Bá Châu có lẽ là người bị u xơ nặng nhất, tuyến tiền liệt phình to 66,6 cm3 và nặng tới 39,8g. Sau khi siêu âm ngày 9/12/2002, bệnh viện Việt Đức đã chỉ định mổ. Tuy nhiên, sau đó ông Châu đã được chuyển sang điều trị bằng viên CRILA- Trinh nữ hoàng cung. Sau 20 ngày điều trị, cá triệu chứng bệnh lý của ông đã giảm rõ rệt. Ông Châu được tiếp tục điều trị bằng viên Crila - Trinh nữ hoàng cung đến tháng 3/2003 thì ngừng hẳn. Ngày 9/10/2003, đi siêu âm ông Châu được biết tuyến tiền liệt của mình đã hoàn toàn bình thường, trọng lượng chỉ còn 25g…

Bên cạnh kết quả điều trị khả quan, viên nang Crila – Trinh nữ hoàng cung còn chứng tỏ ưu thế vươt trội của nó so với 1 số loại thuốc cùng tác dụng được nhập về từ nước ngoài như Tadenan của Pháp điều chế từ vỏ cây mận gai châu phi- Pygeum Africanum hay Permixon của Mỹ (điều chế từ vỏ cây Serenoa Repen) khi giá của liều dùng tương đương viên Crila – trinh nữ hoàng cung chỉ bằng 50% giá của 2 loại dược phẩm nói trên. Ngoài ra, kết quả kiểm nghiệm còn cho thấy thuốc thuốc Crila – trinh nữ hoàng cung hoàn toàn không có tác dụng phụ không mong muốn, cũng như không hề xảy ra 1 trường hợp tương tác thuốc nào khi người bệnh sử dụng loại thuốc này.

Tính ưu việt của loại thuốc này đã lôi kéo mạnh mẽ sự quan tâm của giới y học trong và ngoài nước. Đã có vài hãng dược phẩm lớn của Châu Âu tỏ ra sẵn sàng muốn mua lại phát minh với giá trị lớn, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm dứt khoát từ chối. Trong thâm tâm nhà khoa học này luôn ấp ủ hoài bão có được 1 sản phẩm thuốc đặc trị mang nhãn hiệu Việt, niềm tự hào Việt để tham gia thị trường thuốc trị bệnh của thế giới. Viên nang Crila – trinh nữ hoàng cung chính là cơ hội để chị đạt được tâm nguyện đó. Nó cũng mở ra 1 hướng đi mới đầy khích lệ đối với nền y học nước nhà trong việc đẩy mạnh hướng điều trị các chứng bệnh nan y bằng phương pháp kích thích hệ miễn dịch thay cho phẫu thuật hoá trị hay xạ trị, với các loại thuốc với nguồn gốc nguyên liệu là những loài cây cỏ thiên nhiên có sẵn trong nước, ít có độc tính sinh học.

Để chuẩn bị cho việc sản xuất đại trà viên crila – trinh nữ hoàng cung và trà túi lọc trinh nữ hoàng cung, hiện tại trung tâm nghiên cứu phát triển dược phẩm CRINA đã chọn lọc nguồn nguyên liệu sạch để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Tác dụng chữa trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt của loại cây trinh nữ hoàng cung đã được khoa học kiểm nghiệm. Dù vậy, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm vẫn khuyến cáo: khi điều trị bằng loại dược phẩm này, người bệnh nên tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, không nên tự tìm kiểm và sử dụng cây thuốc này theo cách chữa trị dân gian. Cùng chi với cây Trinh nữ hoàng cung còn có một số cây náng  khác giống y hệt (hầu như chỉ có thể phân biệt khi chúng ra hoa) nhưng thành phần hoá học và tác dụng khác hẳn. Nếu sử dụng nhầm mottj số cây trong họ có thể gây ra tác hại lớn.

Nguyễn Hồng Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét